Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

"Bí mật" nhà thờ Đức Bà


Đàn organ ống cổ phần còn lại
TT - Nhà thờ Đức Bà (còn gọi là nhà thờ lớn, Vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa) TP.HCM đồ sộ, đẹp, đứng sừng sững ở trung tâm thành phố luôn thu hút nhiều người lui tới.
Thế nhưng qua 124 năm tồn tại,  mấy ai đã biết gì về nhà thờ này. Sau khi được phép của linh mục chánh sở Huỳnh Công Minh, PV báo Tuổi Trẻ đã được linh mục phụ tá Vương Sĩ Tuấn hướng dẫn vào nhà thờ...
Trăm năm, gạch ngói không phai màu
Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc.
Theo quan sát của chúng tôi, một số ngói vỡ trong nhà thờ có in hàng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France (nơi sản xuất loại ngói này?), mảnh ngói khác lại có hàng chữ Wang - Tai Saigon. Có thể đây là mảnh ngói được sản xuất sau tại Sài Gòn dùng để thay thế những mảnh ngói vỡ trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, thời gian mà theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, có nhiều cửa kính của nhà thờ bị vỡ.

Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo.
Trên tường được trang trí nổi bật là 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Rất tiếc trong số cửa kính này hiện chỉ còn hai cửa là nguyên vẹn như xưa...
Đàn cổ nhất nhì trong nước (?)
Đứng từ bàn thờ chính của nhà thờ nhìn về phần trên cao phía cửa chính, chúng ta sẽ thấy một bức tường gỗ lớn. Đó là nơi được gọi là “gác đàn” và bức tường gỗ ấy chính là cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất nước hiện nay, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn.
Ước lượng phần thân đàn cao 3m, ngang chừng 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một tấc. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường hiện nay dùng tay gõ và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3m, ngang khoảng 1m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm.
Bên trong đàn được thiết kế tương tự đàn piano nhưng phức tạp hơn nhiều. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh, tương tự kiểu đánh đàn k’lông pút của Tây nguyên. Theo ông Nam Hải, người phụ trách phần nhạc của nhà thờ, để đánh được cây đàn này người đánh phải học riêng vì không có trường lớp nào dạy.
Điều đáng tiếc là cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do thiếu bảo quản (bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay). Hiện nhà thờ còn có một cây đàn tương tự nhưng nhỏ hơn rất nhiều, trị giá khoảng 70.000 USD, còn khá mới, do một cựu lãnh sự Pháp tại TP.HCM “gửi”.
Máy đồng hồ với đồng hồ nhỏ theo dõi
Chiếc đồng hồ khổng lồ
Hai bên hông gác đàn là một khoảng trống, đó là gác chuông. Từ khoảng trống này nhìn thẳng lên mái tháp chuông - hơn 26m, cao hun hút và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng bốn tấc bề ngang.
Khoảng giữa cầu thang nhỏ ấy ở độ cao chừng 15m, chúng tôi thấy một khung cửa tò vò nhỏ bằng lưới. Chui vào cánh cửa ấy với khá nhiều bụi bặm và phân dơi, phần chủ yếu của chiếc đồng hồ nhà thờ Đức Bà hiện ra. Bộ máy đồng hồ to như một chiếc tủ chứa quần áo loại lớn, cao khoảng 2,5m, dài khoảng 3m và ngang độ hơn 1m.
Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Theo anh Phan Vĩnh Du, người chịu trách nhiệm đánh chuông và bảo trì đồng hồ, mỗi tuần lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe.
Những quả chuông đúc từ năm 1879
Gần 30 tấn... chuông
Trên gác chuông, cao 36,6m kể từ mặt đất, rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút rợn người. Gác chuông bên phải (phía bên Trường Hòa Bình) có hai chuông mang tên nốt nhạc là la và do. Gác chuông bên trái có bốn quả chuông sol, si, mi và re.
Ba quả chuông to nhất là sol nặng 8.745kg, si nặng 3.150kg và quả re nặng 2.194kg. Tổng cộng sức nặng của các quả chuông, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, là gần 30 tấn, tất cả đều được đúc ở Pháp vào năm 1879. Đặc điểm của chuông nhà thờ là có âm sắc riêng không thể lẫn vào đâu, vì vậy theo anh Nam Hải, không có bậc fa.
Khi xây nhà thờ, gác chuông không có mái. Năm 1885, kiến trúc sư Gardes đã thêm mái chóp vào để che gác chuông với tổng chiều cao tính từ đất là 57m. Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rờle điện. Khi đổ cùng lúc sáu chuông, tiếng chuông vang xa trong phạm vi chừng 10km.

Từ lâu khá nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đã vào đây. Linh mục Vương Sĩ Tuấn cho biết năm 2005 là năm kỷ niệm 125 năm thành lập nhà thờ và cũng để ủng hộ ngành du lịch thành phố, nhà thờ sẽ thành lập một đội hướng dẫn viên tình nguyện biết nhiều thứ tiếng để hướng dẫn khách tham quan. Có thể việc này sẽ giúp nhiều người trong và ngoài nước hiểu biết thêm về nhà thờ Đức Bà và chúng ta có thêm một điểm tham quan thú vị nằm ngay trung tâm thành phố.
TRẦN NHẬT VY

- Dài 91m, rộng 35,5m và vòm mái chính cao 21m, hai tháp chuông cao 57m, tường nhà thờ Đức Bà được xây bằng gạch và cột bằng đá tảng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo.
Khởi công  từ 7-10-1877 đến 11-4-1880 thì hoàn thành, nhà thờ còn là một nơi yên nghỉ của nhiều giám mục và linh mục của giáo phận, trong đó có giám mục Isidore Colombert - người đặt viên đá đầu tiên và làm lễ khánh thành nhà thờ, mất năm 1894.

- Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không có chỗ cho nến (đèn cầy). Toàn bộ đèn - có mặt ngay từ khi xây dựng xong - đều dùng điện.

Sàigòn, đi nhớ về …buồn


Sàigòn, đi nhớ về …buồn


Vào thập niên 80, dân Sài gòn có 4 câu vè tả về đặc điểm của 4 quận dân cư tạm gọi là “ đắc địa “ ở thành phố Hồ Chí Minh - một thời là thủ phủ Sài gòn hoa lệ, một hòn ngọc Đông Nam Á
                     Ăn quận 5
                     Nằm quận 3
                     Múa ca quận 1
                     Trấn lột quận 4

Quận 5 là nơi cư dân của cộng đồng người Hoa tập trung đông nhất.
Một “little China” từng được gọi là Chợ Lớn nổi tiếng có nhiều nhà hàng, khách sạn đủ phong cách, hương vị …Tàu. Người Việt Nam quan niệm ăn cơm Tàu là ngon, là sang, đến bây giờ vẫn còn. Mười đám cưới ở Việt Nam, quá nửa là chọn thực đơn Tàu. Nói ăn quận 5, ý là như thế.
Quận 3 có nhiều nhà, biệt thự đẹp, cư xá, cao ốc khang trang nằm trên những con đường Tú Xương, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương rợp bóng cây xanh mát mẻ, êm đềm, yên tĩnh. Cư dân sống ở đây ngủ yên, ngủ ngon vì không có hàng quán, chợ búa ồn ào, phiền nhiễu, nên ở quận 3 là lý tưởng nhất.
Quận 1 là quận thị tứ, đắc địa nhất thành phố. Dinh thự, ngân hàng, cao ốc, công ty, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, khách sạn sang trọng, đẹp đẽ, bề thế đều tập trung ở đây. Ban ngày nhộn nhịp, ban đêm cũng rộn ràng không kém. Quận này cũng là chỗ vui chơi, giải trí vào hàng xa hoa bậc nhất.
Số lượng nhà hát, sân khấu kịch nói, cải lương, khiêu vũ trường, phòng trà, quán bar so với mật độ dân cư ngụ đúng là quá tải. Khuya lơ khuya lắc vẩn còn “ỳ xèo” những người lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày.
Những ngày lễ hội, quận 1 như vùng đất trũng, người xe như nước từ khắp nơi đổ về để xem các ngôi sao đang nổi và … sắp chìm ca hát, nhảy múa trên các sân khấu ngoài trời. Quá sung sức thành kiệt sức đến nổi hết bài, lảo đảo đi xuống mà quên cả chào khán giả.
Quận 1, không là quận múa ca thì còn có tên nào xứng hơn ?

Ai đã từng ở Sài gòn có lẽ đều biết đến quyển tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt “ của nhà văn Duyên Anh. Tác giả đã lấy bối cảnh là quận 4 để kể về cuộc đời của tên trùm du đãng Trần Đại và đàn em - những tay giang hồ anh chị nhưng nghĩa khí (!) dám đương đầu với cảnh sát để bênh vực người lao động cô thế. Quyển tiểu thuyết rất “ hot” thời bấy giờ.
Từ hồi xa xưa quận 4 đã là quận nghèo. Tuy cách quận 1 có một con sông, một cái cầu như cầu Ông Lãnh nhưng đời sống ở hai quận thật là cách biệt. Sống trong quận 4 ,đa số là dân lao động, thợ thuyền,buôn bán nhỏ, công nhân khuân vác ở kho cảng Sài gòn. Họ ở trong những căn nhà lụp xụp, những ngỏ hẻm tối tăm, nơi tệ nạn xã hội hoành hành không thể kiểm soát.
Quận 4 mảnh đất mầu mở, căn cứ địa của các băng đảng xã hội đen , buôn lậu, mãi dâm, ma túy, trộm cắp, cướp giựt. Quận 4 có những con đường ban đêm không ai dám đi một mình. Giật dây chuyền, túi xách, cướp xe là chuyện cơm bữa hằng ngày, Quận 4, quận trấn lột có tên là thế…
Thời gian qua nhanh, “thương hải biến vi tang điền “. Cảnh vật chung quanh và con người thay đổi đến chóng mặt. Đến một lúc nào đó không nhận ra bộ mặt quận 4. Quận 4 đã “ lên đời”, đã bước ra ánh sáng.
Đường xá mở rộng, nhà phố sửa sang, khu ổ chuột phá hết để làm chung cư. Từ một quận nghèo, nhếch nhác, mất an ninh, quận 4 trở thành một vùng dân cư đầy triển vọng. Cư dân các nơi khác chuyển hộ khẩu về
chốn làm ăn mới, mở cửa hàng, văn phòng, công ty rầm rộ.
Không kém quận 1, Quận 4 cũng cho phép kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn mini, các quán ăn, quán nhậu thoải mái, nhưng đa số ở dạng bình dân.
Vòng quanh 4 quận nội thành, có cảm tưởng như cả thành phố đua nhau mở quán ăn, quán nhậu, nhà hàng, khách sạn.
Dân phản ảnh với nhà nước tại sao ưu tiên qui hoạch các dự án xây cao ốc, khách sạn thì nhiều, còn trường học, bệnh viện, phúc lợi dân sinh thì chẵng thấy đâu ?
Nhà nước ư ? vẫn câu trả lời muôn thuở : “ thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí “.
Kẹt xe, khói bụi, nước ngập là “đặc sản “ nổi tiếng của Sài gòn 10 năm đầu thế kỷ 21. Ai chưa nếm qua chưa phải người Sài gòn. Du khách nước ngoài đến đây vào mùa mưa, gặp hôm triều cường, đã có kinh nghiệm xắn quần lội bì bỏm trên những con đường mà chỉ một thoáng, “bổng thành dòng sông uốn quanh “.
Máy ảnh đưa lên, cười, “ tách “, một tấm hình nhớ đời.
Rời quận 4, qua cái cầu Calmette mới xây, đi vòng qua chợ Bến Thành đến đường Trương Định, băng qua công viên Tao Đàn là bước đến địa phận quận 3.
Cũng không biết từ lúc nào đi trên những con đường ở quận 3, vốn êm đềm yên tĩnh, bổng phát hiện những biệt thự kín cổng cao tường biến thành quán ăn, quán bar, phòng trà một cách nhanh chóng đến kinh ngạc. Ban đêm cũng đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy sáng trưng.
Quận 3 giờ cũng thành quận “ múa ca “ mất rồi.
Nằm ở quận 3, bên cạnh ngôi chùa Xá Lợi, cổ kính trang nghiêm là một con đường mang tên nhà Sư Thiện Chiếu. Con đường này đã trở thành con đường có “hỗn danh “: con đường “ Lẫu cá kèo “.
Khách ăn uống nhậu nhẹt, xe cộ ra vào tấp nập, ồn ào, nhạc xập xình cho đến tận khuya. Hàng tạ con cá kèo sống nhăn răng bỏ trong nồi nước lẫu , vẫy vùng, ngắc ngoải rồi chết lịm. Cá không biết khóc, không biết nói, nhưng người thì la rất to : “dô, dô “. Bát nháo không thể tả.
Nhà chùa cũng đã gửi đơn phản ảnh, kêu cứu chính quyền xin ngăn chận dùm cái sự làm huyên náo chốn thiền môn, nhưng năm này qua năm khác chả thấy ai giải quyết .
Có Phật tử thấy cảnh chướng tai gai mắt, họ bàn nhau hùn tiền xin thuê lại khu đất bán lẫu cá kèo để bán sách, quà lưu niệm. Nghĩa là vẫn trả tiền thuê mặt bằng đàng hoàng nhưng mặt hàng kinh doanh không phải là ăn uống nhậu nhẹt. Tuy nhiên, việc không thành.
Nghe đâu khuôn viên thuộc công thự nhà nước, mà người thuê mặt bằng kinh doanh cũng có máu mặt, cả tiền lẫn quyền.
Tình trạng xây dựng bát nháo và cấp giấy phép kinh doanh tràn lan trong thành phố là có thật, một sự thật nhức nhối. Không có luật lệ chặt chẻ cho công tác qui hoạch và xây dựng đô thị, không phân định rõ khu vực nào chỉ để ở, khu vực nào chỉ để kinh doanh, và kinh doanh ngành nghề nào là thích hợp !
Quán karaoke, quán bar nằm cạnh trường mẫu giáo, “trung tâm ẩm thực “ gọi là làng nướng, nằm đối diện bệnh viện, trưa chiều tỏa khói um trời, tấp nập kẻ vào người ra như thách thức những người ốm sắp chết kiểu gì cũng nên hưởng thụ một trong tứ khoái của con người là … ăn.
Nhiều người đã chết vì ăn. Còn cái sự ăn thì ôi thôi thiên hình vạn trạng kiểu.

Những người xa Sài gòn lâu năm, trở về sẽ không khỏi choáng ngợp về tốc độ xây dựng đường xá, nhà cửa ở đây, thành phố tấp nập rộn rịp như một công trường đang giờ cao điểm .
Nhưng Sàigòn còn có một mảng tối của những người không nhà cửa, hoặc có nhà, có ruộng nhưng tốc độ đô thị hoá đến chóng mặt khiến họ mất nhà mất vườn, mất ruộng đến trắng tay.
Cầm một cục tiền đền bù giải toả đất vườn rẻ mạt, họ không mua nổi một nơi che nắng che mưa khi khu đất vườn của họ qua tay bao nhiêu đại gia, bao nhiêu công ty trở thành những biệt thự sang trọng, căn hộ cao cấp, họ chỉ biết ngước nhìn thèm thuồng và phẩn uất kêu Trời, mà Trời thì ở quá xa .
Ngoài những ổ voi, những cái hố loang lỗ trên những con đường thi công không chất lượng, Sài gòn còn có những cái hố giữa người giàu và người nghèo ngày càng to ra và rõ nét.
Những người giàu mới nổi họ cũng có những cái hố, những lổ hổng, những thứ mà tiền thì không thể mua được cho họ, cái thứ mà học cả đời chưa thông, tạm gọi là “Văn hoá “: vì Văn hoá là Culture, là thứ phải gieo trồng, không phải ngày một ngày hai mà có.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài gòn. Với tôi Sài gòn và người Sài gòn có những vẻ đẹp riêng, không thiếu sự thanh lịch, duyên dáng và trẻ trung.
Hơn nửa đời người, tôi vẫn là cư dân quận 1, tôi đã từng chứng kiến những cây me già cổ thụ hàng trăm tuổi, mùa mưa trốc gốc ngã xuống mặt đường.
Tôi đã từng hối hả xách máy ảnh chụp lại những góc phố, những ngôi nhà cũ mà cái hồn của lịch sử như còn phảng phất đâu đây, trước khi được phá đi để xây thành những cao ốc hiện đại, tài sản bền vững của những nhà tư bản ngoại quốc và nội địa.
Chẵng để làm gì, chỉ là thói quen, sở thích của người có máu “ bảo tàng “.
Quá khứ, có những thứ đôi khi khó chia xa.
Sài gòn đang “ thay da đổi thịt “ từng ngày, nói vui là đang “ giải phẫu thẩm mỹ “ toàn bộ.
Cái khẩu hiệu hãy giữ gìn và phát huy “ bản sắc dân tộc kết hợp hiện đại “ của một thành phố chỉ hơn 300 năm tuổi, nghe hay thì thật là hay, nhưng xem chừng chưa “kết “mà cũng chẵng “ hợp “ chút nào.
Cả phần xác lẫn phần hồn.
Thực tế chung quanh tôi, con người có văn hóa, cuộc sống văn minh, hiện đại chưa thấy đâu, nhưng “ hương đồng gió nội “ đã bay đi quá nhiều.
Bay từ ngỏ hẻm đến đường phố, từ con người đến nếp nhà.
Sài gòn, thành phố tuổi thơ và tình yêu của tôi, đi xa thì nhớ, trở về lại buồn. Có khi thật buồn và … tiếc.
kim yến
( Tặng Ally- mùa xuân đầu tiên )